Đều là cầu nối giữa người mua và người bán, nhưng cò đất và những nhân viên môi giới bất động sản lại không cùng một khái niệm. Cò đất chỉ cung cấp thông tin, mua bán và hỗ trợ giấy tờ chút ít cho khách hàng, thậm chí sử dụng các mánh khóe để làm sao bán được sản phẩm, trong khi một môi giới đúng nghĩa là người có khả năng tư vấn toàn diện và đáng tin cậy cho từng nhu cầu nhỏ nhất của khách hàng liên quan đến bất động sản.
Contents
Nhiều cò đất “đột lốt” môi giới
Cho đến thời điểm này, phải thừa nhận thực tế rằng, khi nhắc đến môi giới bất động sản, đa phần người dân vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm và nghiêng về khái niệm “cò đất”. Thế nhưng, không có một chuyên viên môi giới chân chính nào muốn bị gọi là “cò”, vì nó vừa mất cảm tình và vừa không phản ánh đúng bản chất của nghề môi giới bất động sản.Cò đất chỉ cung cấp thông tin, mua bán và hỗ trợ giấy tờ chút ít cho khách hàng, thậm chí sử dụng các mánh khóe để làm sao bán được sản phẩm, trong khi một môi giới đúng nghĩa là người có khả năng tư vấn toàn diện và đáng tin cậy cho từng nhu cầu nhỏ nhất của khách hàng liên quan đến bất động sản. Họ sử dụng kiến thức chuyên môn về bất động sản, tầm nhìn và khả năng đánh giá thị trường để có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng, qua đó mang lại lợi ích cho khách hàng và chính bản thân mình.
Chính vì vậy, nghề môi giới là một nghề cao quý, nó đòi hỏi nhân viên môi giới phải có nhiều nền tảng kiến thức, kỹ năng và đôi khi là sự nhanh nhạy.
Để trở thành môi giới bất động sản đúng nghĩa, một nhân viên phải trải qua quá trình đào tạo bài bản, từ kiến thức pháp luật về bất động sản và các lĩnh vực khác liên quan, đến kiến thức về thị trường, thậm chí phải trang bị cho mình các kiến thức khác như kỹ thuật xây dựng, phong thủy, tài chính, tiền tệ… Ngoài ra, nhân viên môi giới phải học cả về đạo đức nghề nghiệp.
Chính vì vậy, những thông tin, tư vấn của môi giới bất động sản có độ tin tưởng cao hơn cò đất. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ nhân viên môi giới bất động sản chưa được trang bị đủ kiến thức, chưa nhận thức rõ được vai trò của mình, nên hoạt động như một cò đất, hay nói một cách chính xác hơn, đó chính là cò đất “đội lốt” môi giới bất động sản.
Chính đội ngũ này đã gây ra những cơn sốt ảo cục bộ tại nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua. Không những thế, đội ngũ này còn tạo ra các dự án ma để lừa đảo người mua.
Vụ án tại Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo 2.500 tỷ đồng của gần 7.000 người mua các dự án ảo, dự án không đủ pháp lý là một ví dụ điển hình cho việc nhập nhằng cò đất “đội lốt” môi giới chân chính.
Sự khác nhau giữa môi giới và “Cò”
Một số tiêu chí dưới đây có thể phần nào giúp bạn giải quyết thắc mắc này.
Bằng cấp
– Môi giới: Đối với một chuyên viên môi giới thật sự, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu họ phải có bằng cấp, ít nhất là từ trung cấp trở lên. Tuy nhiên đó mới là tiêu chuẩn đầu vào, còn muốn trở thành môi giới nhà đất, họ sẽ cần phải học tập, trau dồi kiến thức để có được chứng chỉ hành nghề.
– Cò đất: Trong khi đó, cò đất lại không yêu cầu phải học qua trường lớp nào cả, có lẽ thứ mà họ cần chỉ là biết chữ và biết ăn nói. Vì vậy mà cò đất thường hoạt động kiểu tự phát hoặc làm cho cách doanh nghiệp nhỏ lẻ chứ ít khi được làm việc tại các tập đoàn lớn có uy tín trên thị trường.
Kỹ năng
– Môi giới: Vì đã trải qua quá trình đào tạo bài bản nên kỹ năng của một người môi giới không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các thông tin về dự án cho khách hàng mà họ còn biết xử lý những rắc rối về pháp lý, chất lượng kỹ thuật của công trình, phong thủy, vấn đề về tài chính – tín dụng của ngân hàng… Nói chung, môi giới nhà đất là người phải biết mọi thứ liên quan đến việc mua bán, thuê nhượng bất động sản.
– Cò đất: Họ làm việc theo bản năng và kinh nghiệm. Nếu không có bằng cấp thì rất khó đòi hỏi ở họ sự giúp đỡ về pháp lý, các thủ tục vay tiền hoặc những vấn đề rắc rối khác. Họ dễ rơi vào cảnh nói quá nhiều, thúc ép khách hàng mà không để ý, lắng nghe xem nhu cầu thực sự của khách là gì và làm hài lòng nhu cầu đó.
Tỉ lệ lừa đảo
– Môi giới: Họ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin cung cấp đến khách hàng, bởi vậy độ tin tưởng của môi giới bất động sản có thể xem như cao hơn cò mồi. Tuy nhiên, vì là những người có kỹ năng, được đào tạo nên họ sẽ biết lách luật để lừa khách hàng bằng những chiêu cao siêu hơn, chẳng hạn như tự ý ký hợp đồng, gài các điều khoản trong hợp đồng, thu tiền “hộ” người bán…
– Cò đất: Thường nhằm mục đích cung cấp thông tin càng nhiều càng tốt đến khách hàng, mặc dù chưa cần biết có đúng hay không, cứ nghe bùi tai trước đã. Lời nói gió bay, có thể nay nói thế này hoặc mai nói thế khác (nếu ai gặp cò đất rồi sẽ hiểu). Tỉ lệ lừa đảo của cò mồi vì thế cao hơn chuyên viên môi giới.
Nói chung, với thời thế thật giả lẫn lộn như hiện nay thì ngay cả khi gặp một chuyên viên môi giới chính hiệu, bạn vẫn có thể gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười nếu môi giới bất động sản đó làm việc không có tâm. Tuy nhiên, đứng trên cương vị khách hàng thì chẳng ai muốn bị một cò mồi giả danh môi giới dắt mũi.