Đất thổ cư hay đất ở là những cụm từ quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Những người không làm trong lĩnh vực bất động sản chắc cũng đã từng nghe qua và biết đây là đất dùng để xây nhà. Tuy nhiên, xoay quanh chủ đề đất thổ cư, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến loại đất này.
Đất thổ cư là gì? Bao gồm những loại nào? Làm sao để biết đó là đất thổ cư được phép xây nhà? Quy trình và thủ tục để xin lên đất thổ cư như thế nào? Đóng các loại thuế phí ra sao? Và nhiều câu hỏi khác nữa được nhiều người thắc mắc. Vì thế, bài viết này chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề liên quan đến loại đất thổ cư này nhé.
Contents
1. Đất thổ cư là gì?
Đất thổ cư hay còn gọi là đất ở được sử dụng để xây nhà để ở, an cư lạc nghiệp và xây dựng các công trình khác phục vụ cho đời sống xã hội theo quy định tại luật đất đai năm 2013. Đất thổ cư thuộc nhóm đất phi nông nghiệp và được chia thành 2 loại chính sau đây:
- Đất thổ cư ở nông thôn: là đất ở tại vùng nông thôn được viết tắt là ONT
- Đất thổ cư ở đô thị: là đất ở tại khu vực đô thị được viết tắt là ODT
Đất ở nông thôn và đất ở đô thị về cơ bản thì mục đích sử dụng đất không có gì khác nhau. Tuy nhiên, ở 2 loại đất này có sự khác nhau về điều kiện xây dựng, mức đóng thuế và 1 số quy chế pháp lý đối với từng loại đất.
2. Phân loại đất thổ cư
Nói thêm về phân loại đất tại Việt Nam hiện nay. Hiện nay, ở nước ta có 3 nhóm đất chính sau đây:
- Nhóm đất nông nghiệp: gồm có các loại đất như:đất trồng cây lâu năm; đất trồng cây hàng năm; đất trồng lúa; đất rừng sản xuất; đất rừng phòng hộ; đất làm muối; đất nuôi trồng thủy hải sản và 1 số loại đất nông nghiệp khác.
- Nhóm đất phi nông nghiệp: bao gồm các loại đất không phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp như: đất ở; đất xây dựng các công trình nhà nước; đất phục vụ cho hoạt động quốc phòng, an ninh; xây dựng cơ sở y tế; văn hóa; giáo dục; khoa học; công nghệ; thể dục – thể thao.
- Nhóm đất chưa sử dụng: đây là nhóm đất chưa xác định được mục đích sử đất.
Đất thổ cư hay còn gọi là đất ở thuộc vào nhóm đất phi nông nghiệp và được phân chia thành 2 loại:
Đất ở đô thị (ODT)
Đất ở đô thị hay viết tắt là otd là đất thổ cư sử dụng để xây nhà ở và các công trình khác phục vụ cho đời sống xã hội thuộc phạm vi các phường, thị trấn, thị xã, quận, thành phố thuộc khu vực đô thị hoặc các khu dân cư, khu đô thị mới.
Đất ở đô thị được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được áp dụng các chính sách về thuế, mật độ xây dựng… Theo quy định của pháp luật dành cho đất odt do cơ quan phường, quận, các cấp tương đương quản lý. Bạn được phép xây dựng nhà ở và các công trình khác phục vụ cho đời sống xã hội tại khu đất của mình. Đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị tại khu vực đó.
Đất ở nông thôn (ONT)
Đất ở nông thôn hay viết tắt là ont là đất thổ cư cấp cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng để xây dựng nhà ở và các công trình khác phục vụ cho đời sống xã hội thuộc khu vực nông thôn do các cơ quan có thẩm quyền tại Xã, huyện hoặc tương đương quản lý.
Đất ở nông thôn còn bao gồm các loại đất vườn, ao, chuồng gắn liền với nhà ở trong cùng 1 thửa đất được xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành. Đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tại địa phương đó.
Có thể thấy, đất ở nông thôn (ont) và đất ở đô thị (odt) nhìn chung không có nhiều sự khác biệt. Tùy thuộc vào quy hoạch của từng vùng và mục đích sử dụng đất thì 2 loại đất này sẽ có hạn mức, thuế nhà đất, và điều kiện xây dựng khác nhau.
3. Quy định về đất thổ cư
Những câu hỏi mà nhiều người thắc mắc liên quan đến đất thổ cư đa phần nằm trong quy định đất thổ cư. Nhà nước ta đã quy định rất rõ ràng trong luật đất đai năm 2013.
Đất thổ cư có được xây nhà không?
Đất thổ cư là đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp với mục đích là xây dựng nhà ở và các công trình khác gắn liền với đất ở như đất vườn, đất ao… Vì thế, đất thổ cư được phép xây nhà ở.
Tuy nhiên, trong Sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) có quy định và ghi rất rõ ràng về mục đích sử dụng đất. Đất ở tại nông thôn; đất ở tại đô thị; đất trồng cây lâu năm; hàng năm; trồng lúa… Được xây dựng diện tích bao nhiêu? Bạn cần để ý kĩ để tuân thủ đúng với quy định mà pháp luật đã ban hành. Theo điều 64 của bộ luật đất đai quy định về việc “sử dụng đất không đúng mục đích” có thể bị phạt hành chính hoặc thu hồi đất nếu cố tình vi phạm.
Đất thổ cư có sổ đỏ không?
Đất thổ cư là đất ở cấp cho cá nhân, hộ gia đình và được chứng nhận quyền sử dụng đất bằng 1 giấy chứng nhận có bìa màu đỏ hay còn gọi là sổ đỏ. Đảm bảo quyền sở hữu, quyền và nghĩa vụ liên quan đến mảnh đất của mình.
Ngày nay, đất ở đô thị hoặc đất xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên đất ở tại nông thôn đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hay còn gọi là sổ hồng.
Sổ đỏ và sổ hồng đều có giá trị pháp lý tương đương nhau.
Giá lên đất thổ cư?
Theo quy định của pháp luật thì các loại đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở có thể xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để lên đất thổ cư. Cũng như các loại đất khác, đất thổ cư cần phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính gồm có các loại phí sau đây:
1. Phí sử dụng đất hằng năm
Phí sử dụng đất hằng năm = diện tích đất tính thuế x giá 1m2 đất x thuế suất
Trong đó giá 1m2 đất và thuế suất bạn có thể tra cứu tại từng địa phương tại thời điểm tính phí sử dụng đất hằng năm. Bạn có thể tham khảo cụ thể tại khoản 2 điều 5 của thông tư 76/2014/TT-BTNMT của bộ tài nguyên và môi trường.
2. Phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất
- Đối với Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở sang làm đất ở; và Chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển sang đất ở. Thì phí được tính như sau:
Mức phí thu = (Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở – Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp)/ 2
- Đối với Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở. Tiền phải nộp được tính như sau:
Mức phí thu = Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở – Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp
Trường hợp chuyển từ đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở.
- Trường hợp đang sử dụng đất phi nông nghiệp đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất có thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài mà không phải là đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê. Khi chuyển mục đích sang đất ở thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
- Trường hợp đang sử dụng đất phi nông nghiệp dưới hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trước ngày 01/7/2014. Khi được chuyển mục đích sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất được tính như sau:
Mức phí thu = Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở – Tiền sử dụng đất phi nông nghiệp của thời hạn sử dụng đất còn lại.
3. Lệ phí trước bạ và 1 số khoản phí khác
Bạn tham khảo lệ phí trước bạ tại điều 7 nghị định 45/2011/NĐCP hoặc xem chi tiết tại bài viết: Lệ phí trước bạ là gì? Cách tính thuế trước bạ nhà đất 2022 trong chuyên mục: Kiến thức nhà đất
4. Thủ tục lên đất thổ cư
Theo như quy định của pháp luật thì 1 số loại đất không phải là đất ở thì sẽ không được phép xây dựng nhà ở. Vì thế, khi muốn xây dựng nhà ở bạn cần phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư (đất ở).
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư cho cá nhân, hộ gia đình khi thỏa điều kiện: khu đất xin lên đất thổ cư nằm trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện cho phép chuyển sang đất ở. Trường hợp đất đó không nằm trong kế hoạch của UBND Huyện thì phải đợi. Thủ tục lên đất thổ cư gồm những bước sau:
Thủ tục lên đất thổ cư là gì?
Chuẩn bị hồ sơ
Cần chuẩn bị những hồ sơ sau đây:
- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (sổ đỏ, sổ hồng)
Nộp hồ sơ lên phòng Tài nguyên và Môi Trường
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Tài Nguyên & Môi Trường nơi có đất để làm thủ tục lên đất thổ cư.
- Có thể nộp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ tại địa phương (bộ phận một cửa), trong trường hợp địa phương đó đã có cơ chế một cửa.
Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên đất thổ cư cho cá nhân và hộ gia đình. Trong thời gian này , cơ quan có thẩm quyền sẽ xuống khu đất khảo sát, đo đạc và xác thực thông tin khu đất. Cá nhân và hộ gia đình thực hiện các nghĩa vụ về tài chính, lệ phí cho cơ quan nhà nước chúng tôi đã trình bày ở trên.
Trả kết quả
Theo quy định kết quả sẽ được trả về trong thời gian không quá 15 ngày làm việc. Trường hợp ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi,..thời gian không quá 30 ngày. Đây là tất cả các bước trong thủ tục lên đất thổ cư.